Sự kiện lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua những số báo Giác Ngộ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1124 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1124 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Cuộc gặp mặt lịch sử tháng 2-1980 tại TP.HCM, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Linh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng lúc bấy giờ, là “cuộc gặp mặt đầu tiên của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam” sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975.

Báo chí được ví như “người thư ký của thời đại”. Với gần tròn 46 năm phát triển, Báo Giác Ngộ đã đảm nhận vai trò ấy của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, trở thành nguồn tư liệu sinh động và có thể nói là đầy đủ nhất khi nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là tiến trình của Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam tại thủ đô Hà Nội 40 năm về trước.

“Người thư ký đặc biệt” của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại

Thành lập cuối năm 1975, ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1976, với sứ mệnh là tiếng nói của Phật giáo yêu nước, Báo Giác Ngộ là cơ quan báo chí Phật giáo duy nhất lúc bấy giờ cho đến cuối tháng 11-1990, khi có thêm tạp chí Nghiên cứu Phật học ra đời thuộc Phân viện Nghiên cứu Phật học VN tại Hà Nội; và sau đó, năm 2004 Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo do Ban Văn hóa Phật giáo do Ban Văn hóa Trung ương đứng ra xin phép, thực hiện.

Khi cần tìm hiểu về hoạt động, sinh khí của Phật giáo Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, có thể nói không có một tư liệu nào thể hiện sinh động bằng nhiều câu chuyện, thông tin trên các ấn phẩm mà “người thư ký thời đại” Giác Ngộ đã lưu giữ, trong đó có sự kiện vận động, thành lập GHPGVN. Đây là nguồn thông tin đặc biệt đã bước đầu được khai thác qua loạt tư liệu - hồ sơ mà Báo Giác Ngộ thực hiện nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội (2016), nhiều trang thông tin Phật giáo dẫn lại.

Những sự kiện lịch sử hình thành GHPGVN

Cố Hòa thượng Thích Từ Hạnh (thời điểm 1980, giáo phẩm là Thượng tọa) từng có bài tường thuật rất chi tiết về sự kiện hết sức quan trọng, không thể quên của Phật giáo Việt Nam, để từ đó hình thành nên Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, vượt qua những biệt truyền, ranh giới tổ chức, cùng đoàn kết, nhất trí trong ngôi nhà GHPGVN, đó là “Cuộc gặp mặt lịch sử của Phật giáo Việt Nam” đăng trên Giác Ngộ số 93, ra ngày 1-3-1980.

Lần đầu tiên sau 5 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, Phật giáo mới có một cuộc gặp mặt chư tôn đức trưởng thượng cả ba miền, trong 2 ngày 12 và 13-2-1980 tại TP.HCM, với sự hiện diện của Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận từ Hà Nội (sau này được suy tôn lên ngôi Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN), chư tôn túc: Hòa thượng Thích Đôn Hậu (cố đô Huế), Hòa thượng Thích Trí Thủ (sau này là Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự), Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào (TP.HCM), cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức, truyền thống, hệ phái lúc bấy giờ trên cả nước, đủ 4 chúng Tăng Ni, nam và nữ cư sĩ… Nội dung của “cuộc gặp lịch sử” này được chính cố Hòa thượng Thích Từ Hạnh tường thuật chi tiết trên các trang 2, 3, 14 và 15 của Giác Ngộ số 93.

Cuộc gặp mặt lịch sử tháng 2-1980 tại TP.HCM, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Linh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng lúc bấy giờ, là “cuộc gặp mặt đầu tiên của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam”. Ông cũng tỏ ý tiếc cuộc gặp gỡ không thể sớm hơn bởi tình hình sau khi đất nước thống nhất có nhiều vấn đề cấp thiết cần giải quyết. “Buổi gặp mặt này tuy có muộn nhưng rất trọng đại và có tính cách lịch sử”, tường thuật của tác giả Thượng tọa Thích Từ Hạnh trên báo Giác Ngộ số 93 (trang 3).

Chính từ sự kiện có tính cách lịch sử này, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được thành lập với Ban Chứng minh đứng đầu là Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận - Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Hòa thượng Thích Trí Thủ - Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVN Thống nhất đảm nhiệm Trưởng ban, cùng 6 vị Phó ban, Thượng tọa Thích Minh Châu làm Chánh Thư ký, Phó Thư ký là 2 vị Thượng tọa Thích Từ Hạnh và Thượng tọa Thích Thanh Tứ cùng 11 vị ủy viên. Các văn kiện quan trọng như Thông bạch, Nghị quyết… làm nền tảng cho Hiến chương của GHPGVN sau này cũng đã được lưu giữ toàn văn trên các ấn bản Giác Ngộ số 96 và 97.

Tiếp theo đó là hàng loạt cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi giữa các tổ chức, hệ phái, hội, giới, các sự kiện ra mắt Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Huế, Hà Nội…. Bên cạnh đó, có nhiều bài, ý kiến, cuộc phỏng vấn... phản ánh “tâm tư” trước khó khăn và ý chí không có gì ngăn cản được của Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được đăng tải, tường thuật chi tiết trên các trang báo giờ đã trở thành những tư liệu hết sức quý cho bất cứ ai tìm hiểu về sự hình thành của GHPGVN.

Tư liệu sống động về sự kiện thành lập GHPGVN

Báo Giác Ngộ đã dành nhiều số, cụ thể là từ số 131 (ra ngày 15-10-1981) với chủ đề “Chào mừng Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam” và số ghép 132-133, ra ngày 1 & 14-11-1981, số 134 (1-12-1981) để ghi nhận đầy đủ sự kiện lịch sử thành lập GHPGVN, từ ngày 4 đến 7-11-1981 tổ chức tại chùa Quán Sứ.

Trong bài xã luận đăng ở trang 2 của số 131, bài viết ký tên tác giả Giác Ngộ đã bày tỏ quan điểm của báo, nhận định đây là sự kiện “chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam”. Theo đó, số báo này dành dung lượng đặc biệt để ghi nhận ý kiến, nhận định của hàng giáo phẩm và trí thức Phật tử về hội nghị như Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM), Hòa thượng Thích Giới Nghiêm (Tăng thống Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, học giả Đào Duy Anh…; Nội dung chương trình làm việc từ ngày 3 (họp trù bị) và các ngày hội nghị chính thức (mùng 4, 5, 6 và 7-11-1981), kỳ họp đầu tiên của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự cũng như các chương trình thăm viếng lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ; chiêm bái các di tích, tham quan thắng tích, danh lam ở thủ đô và các tỉnh miền Bắc.

Tất cả những văn kiện, các phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thông tin quan trọng của sự kiện lịch sử này được tường thuật, đăng tải đầy đủ trên các ấn bản Giác Ngộ trước, trong và sau hội nghị, phản ánh sinh động, đầy đủ nhất trang sử mới trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Dù hiện diện với vai trò tiếng nói của Phật giáo Yêu nước TP.HCM, tuy nhiên, ngay từ đầu, Giác Ngộ đã không chỉ cập nhật thông tin Phật giáo địa phương, mà với hiện tình thời bấy giờ, khi là cơ quan báo chí Phật giáo duy nhất hoạt động sau ngày thống nhất đất nước, Giác Ngộ còn phản ánh toàn diện tình hình của Phật giáo cả nước. Góp phần kết nối những người con Phật trong tinh thần yêu nước, phụng sự Tổ quốc ở thời kỳ mới, cũng như tiếp tục gắn bó với từng bước đi của GHPGVN qua các sự kiện từ Trung ương cho tới địa phương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Quảng Truyền tuyên đọc văn tưởng niệm, tri ân công đức của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông

Lạng Sơn: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn

GNO - Sáng 28-11, tại Trụ sở Ban Trị sự - chùa Thành, Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức Đại lễ tưởng niệm 716 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn và Lễ tưởng niệm 31 năm ngày Trưởng lão Hòa thượng Thích Xuân Lôi viên tịch (28-10-Quý Dậu - 28-10-Giáp Thìn).
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1279 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Kính trọng người lớn tuổi và bản sắc Phật giáo ở châu Á

GNO - Theo một cuộc khảo sát mới được công bố gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew về Phật tử ở các nước châu Á từ năm 2022 - 2023, kính trọng những người lớn tuổi là một trong những phẩm chất cốt lõi xác định xem bạn có phải là Phật tử hay không.

Thông tin hàng ngày